Tết là một dịp quan trọng để gia đình có thể quây quần, đoàn tụ cùng nhau sau một năm dài làm việc vất vả. Đây là dịp lễ lớn nhất trong năm và giữ được trọn vẹn bản sắc dân tộc của người Việt Nam với các phong tục ngày Tết đặc trưng. Hãy cùng Du lịch Đồng Khởi điểm danh một số những phong tục ngày Tết quan trọng của người Việt Nam dưới đây nhé:
- Đoàn tụ và quây quần bên gia đình
Ngày Tết là dịp để đoàn tụ các thành viên trong gia đình, tất cả mọi người sẽ cùng nhau về nhà để chuẩn bị cho một cái Tết quây quần ấm no.
- Dọn dẹp nhà cửa
Trước Tết mọi gia đình đều dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, trang trí với ý nghĩa mọi chuyện cũ bỏ đi, mong cầu cho một năm mới vạn sự cát lành, tài lộc, gia đạo bình an.
- Cúng ông Công, ông Táo
Ngày 23 tháng Chạp âm lịch, các gia đình người Việt sẽ cúng đưa ông Công, ông Táo cưỡi cá chép về trời để báo cáo mọi việc của gia chủ với Ngọc Hoàng và xin cho một năm mới thật nhiều điều may.
- Đi thăm mộ của tổ tiên
Đi thăm viếng, dọn dẹp nơi an nghỉ của ông bà, người thân là một phong tục phổ biến, thể hiện đạo hiếu và lòng biết ơn, kính trọng với đấng sinh thành, bậc tổ tiên đã khuất.
- Gói và nấu bánh chưng, bánh tét
Một phong tục ngày Tết được xem như là đặc trưng không thể thiếu và được rất nhiều gia đình vẫn giữ đến hiện tại chính là gói và nấu bánh chưng, bánh tét. Mọi người sẽ cùng nhau gói và nấu bánh, thức canh bánh và trò chuyện cùng nhau.
- Dựng cây nêu
Cây nêu ngày Tết là một trong những biểu tượng của dịp tết Nguyên đán, tục này gắn với cuộc chiến giữa con người và ma quỷ, nhằm mục đích bảo vệ cửa nhà được bình an.
- Chưng mâm ngũ quả
Mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những cách bày mâm ngũ quả và các loại trái cây khác nhau. Và các loại trái cây được sử dụng đều thường có ý nghĩa chung là cầu chúc một năm mới bình an, may mắn, an khang, phú quý.
- Chơi hoa vào dịp Tết
Tuỳ theo phong tục ngày Tết của từng vùng miền khác nhau, thì sẽ có những loại cây trưng Tết khác nhau, miền Bắc đặc trưng với hoa đào, miền Nam đặc trưng là hoa mai. Ngoài ra thì cây quất, hoa cúc vàng cũng là những loài được trưng cả 3 miền. Những loại cây này không thể thiếu trong ngày tết, vì chúng góp phần làm cho ngôi nhà rực rỡ, sắc màu hơn, đồng thời cũng tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng, hạnh phúc,….
- Cúng tất niên
Cúng tất niên là một nghi lễ vô cùng quan trọng theo phong tục ngày Tết Cổ truyền của người Việt Nam. Vào ngày 30 Tết, các gia đình đều sẽ dâng mâm cỗ một cách tươm tất để thắp hương mời thần linh, ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng với gia đình. Đồng thời để sum vầy tụ họp cùng con cháu để kết thúc năm cũ và chào đón một năm mới.
- Đón giao thừa
Đón giao thừa là một trong những phong tục ngày Tết cực kỳ quan trọng, được xem là quyết định mọi điều may mắn trong năm mới. Đây là thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, là khoảnh khắc giao thoa giữa con người và đất trời trở nên gần gũi hơn. Trong đêm giao thừa có rất nhiều hoạt động đa dạng như bắn pháo bông, cúng giao thừa, xông đất chúc tết, lì xì,…
- Xông đất
Theo quan niệm của người Việt Nam thì xông đất đầu năm là một phong tục ngày Tết vô cùng quan trọng. Người đầu tiên bước vào nhà sẽ là người xông đất và thường sẽ nhờ người hợp tuổi với gia chủ đến xông đất nhằm cầu mong năm mới hạnh phúc, làm ăn phát đạt.
- Xuất hành ngày đầu năm
Vào ngày mùng 1 đầu năm, mọi người thường sẽ chọn hướng, giờ và phương tiện di chuyển để ra khỏi nhà. Với mong muốn khi bước sang một năm mới thì mọi thứ đều thuận lợi, gặp được nhiều may mắn, tất cả đều thuận lợi, gặp được nhiều tốt lành cả năm.
- Chúc Tết, mừng tuổi và lì xì
Chúc Tết, mừng tuổi là một trong những phong tục ngày Tết được các bé yêu thích nhất vào mỗi dịp xuân về. Vào những ngày Tết, mọi người sẽ dành tặng cho nhau những lời chúc vô cùng tốt đẹp, đồng thời tặng những bao lì xì may mắn.
- Đi chùa, hái lộc đầu xuân
Đi lễ chùa, hái lộc đầu năm là một nét đẹp tâm linh trong phong tục ngày Tết được rất nhiều người Việt Nam xem trọng. Mọi người đều đi lễ chùa nhân dịp đầu năm để thể hiện lòng tôn kính với Phật, thần linh và tổ tiên. Vừa để cầu cho một năm mới nhiều điều may mắn, tài lộc và bình an cho gia đình.
- Khai bút đầu năm
Theo tư tưởng của ông bà ta từ xa xưa, mọi sự hanh thông trong những ngày đầu tiên của năm mới sẽ là tín hiệu tốt cho một năm trôi qua một cách thuận buồm xuôi gió. Vì thế, người làm kinh doanh, học sinh,… thường thực hiện nghi thức khai bút hay xin chữ dịp đầu năm. Trong khi học sinh bắt đầu năm học với những nét chữ đầu tiên thì người làm nông lại bắt tay vào việc cày cấy và các doanh nhân thường mở cửa hàng của họ để rước may mắn vào nhà.
Trên đây chỉ là những phong tục thường thấy nhất cho dịp Tết. Còn rất nhiều những phong tục khác trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt và mỗi vùng miền sẽ có thêm những phong tục khác nhau nữa. Hãy cùng lưu giữ và phát triển những phong tục tốt đẹp cùng với gia đình để đón một mùa Tết sum vầy cùng với nhau.